Episodios

  • “Điền hương”: Ấm áp tình cảm gia đình
    Jul 8 2024

    Câu chuyện dẫn dắt người đọc, người nghe đến với gia đình bà cô trong một tình huống khá éo le: người cô được trả về nhà sau những ngày điều trị ở bệnh viện, không còn hy vọng nữa. Không khí u ám bao quanh ngôi nhà, lây lan sang cảm xúc đau xót, bất lực của người em trai, người cháu gái…Duy nhất chỉ có ông chồng, với vẻ lạnh lùng, vô cảm và cứng nhắc, ông không quan tâm đến những gì đang diễn ra. Ông đang sắp đặt cho sự ra đi của vợ ông. Chúng ta có cảm giác bức bối, ngột ngạt bởi không khí ấy và cả thái độ của người chồng. Nhưng, thật bất ngờ, khi Liên – đứa cháu nội của người cô trở về thì mọi việc thay đổi. Liên vội vàng đỡ bà dậy, cho bà ăn từng miếng bánh, uống từng thìa sữa và dọn hết những đồ vật sặc sỡ trong căn phòng. Liên tin bà sẽ sống. Tia sáng ấy bắt đầu le lói khi bà ăn hết cái bánh, uống sữa, chứ không nằm bất động như khi Liên chưa xuất hiện. Hình ảnh chiếc mũ có thêu hai chứ “Điền Hương” là nút thắt thú vị. Đó là câu hỏi mà nhân vât tôi băn khoăn đi tìm. Câu chuyện ghen tuông của vợ chồng người cô bắt đầu hé lộ, người dượng vốn đào hoa, lãng mạn mà cô thì ghen tuông vô cùng. Vì thế mà họ đã xảy ra những tình huống trớ trêu, cười ra nước mắt. Cái mũ khắc tên Điền Hương cũng khiến người cô nổi đoá nhưng đó là trò nói lái vui đùa của ông dượng mà thôi. Vì thế mà chúng ta đã hiểu vì sao mà một người bệnh gần chết lại tuyệt thực, chỉ khi đứa cháu gái xuất hiện, bà lại ăn và tỉnh táo hơn. Đó là phép thử của bà đối với chồng dẫu cả hai tuổi đã cao, cháu con đề huề. Câu chuyện gợi cho chúng ta cảm nhận rõ hơn về mối quan hệ gia đình với những tình huống bi hài, vui buồn lẫn lộn. Đó cũng là bức tranh đa sắc màu mà mỗi gia đình đều có. Điều đọng lại chính là lòng vị tha, bao dung, san sẻ…đó mới là bến đỗ bình yên sau những sóng gió cuộc đời. (Lời bình của BTV Vân Khánh)

    Từ khóa tìm kiếm : Điền hương, Tống Ngọc Hân, gia đình, ấm áp, sẻ chia, đồng cảm, lòng vị tha, bao dung

    Más Menos
    26 m
  • "Áo vải" - Một truyện ngắn của Nam Cao bị quên lãng 70 năm qua
    Jul 1 2024

    “Những gì thuộc ngòi bút Nam Cao luôn luôn mang đặc trưng của lối viết Nam Cao” – Đó là nhận định của Nhà Nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân khi giới thiệu về thế giới chữ nghĩa chưa mấy ai biết tới của cây bút hiện thực xuất sắc của nền văn học nước ta. Truyện ngắn “Áo vải” được in lần đầu trên tuần báo Truyền bá, số 170, ra ngày 29/03/1945, cách đây gần 80 năm, đã bộc lộ cái nhìn thiện cảm đầy trân trọng của Nam Cao đối với “người nhà quê”. Lấy bối cảnh một gia đình nhà buôn từ thành phố Cảng tản cư về làng quê tránh bom đạn chiến tranh, một cách đầy tự nhiên, chân thật, qua những biến cố bất ngờ và đau thương của số phận nhân vật, truyện ngắn “Áo vải” lần tìm lại những nét đẹp trong bản chất và ứng xử của con người nông thôn. Nghèo khó phải đi ở cho nhà giàu, chị Sen, tức chị Thiêm vì thương cô Ngọc bị anh trai, chị dâu bạc đãi mà cứu giúp, che chở. Trong hoàn cảnh không lấy gì làm dư giả, anh chị Thiêm vẫn sẵn sàng giang tay nuôi nấng hai đứa con của cô Ngọc, tức bà Hoan Ký. Kể cả khi hai đứa trẻ về lại thành phố rồi sinh lòng phụ bạc những ân nhân của mình, chị Thiêm vẫn thương yêu và cưu mang khi gặp lại chúng trong hoàn cảnh khốn khó. Không phân biệt sang hèn, giàu nghèo, tình thương, nghĩa tình con người sáng lên qua những trang văn viết về “những người nhà quê chỉ mặc áo vải suốt đời, nhưng còn đáng trọng bằng mười kẻ mặc lụa là gấm vóc”. Nhà văn Nam Cao đã viết về điều đó bằng một ngòi bút nhẹ nhàng, tinh tế như thể là sự mặc nhiên ở đời. Cũng như với các tác phẩm để đời được nhiều người biết đến, nhà văn thể hiện tài quan sát, lắng nghe và diễn tả từng nét ngoại hình, hành vi, giọng điệu nhân vật. Ông đã tạo hồn cốt cho câu chuyện theo mách bảo của kinh nghiệm và cả lương tri con người.

    Từ khóa tìm kiếm : Nam Cao, dòng văn học hiện thực 1940 - 1945, Áo vải, nông thôn, tính cách, lương tri

    Más Menos
    27 m
  • "Người sót lại của rừng cười": Trân trọng và yêu thương người phụ nữ
    Jun 24 2024

    Chiến tranh Việt Nam là đề tài thu hút nhiều thế hệ cầm bút, dù khi cuộc chiến đã đi qua nhiều năm. Người sót lại của rừng cười là truyện ngắn lấy bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ. Cả bốn cô gái canh gác kho quân nhu giữa đại ngàn Trường Sơn đều mắc căn bệnh mà khoa học gọi là Histeria, một thứ bệnh rối loạn thần kinh mất cân bằng tâm lý. Chỉ có Thảo, nhân vật nữ chính trong truyện là người duy nhất không mắc bệnh. Cô chỉ biết buồn tủi, xót thương cho các chị của mình. Và rồi cả 4 người con gái trong trắng ấy đều ngã xuống sau một trận đánh mà chưa một lần kịp yêu ai. Người duy nhất sót lại của rừng cười được trở về thành phố và vào học năm thứ nhất khoa Văn. Nhưng Thảo đã không còn vẻ đẹp căng tràn sức sống với mái tóc mượt dài chấm gót như ngày nào, thay vào đó là thân hình gày gò với mái tóc xơ xác. Thành, người yêu của Thảo ngày càng trở nên xa cách với cô dù đã chờ đợi ngày Thảo trở về và ra đón cô tại ga tàu. Thảo muốn giải phóng cho Thành nên đã nghĩ ra cách hàng ngày tự gửi thư cho mình để Thành nghĩ rằng Thảo đã có người yêu mới. Và rồi sự kiện Thành kết hôn với người con gái khác đã đẩy bi kịch của Thảo lên đỉnh điểm. Cô vượt qua được những tháng ngày gian khổ ác liệt ở Trường Sơn nhưng rồi lại mắc căn bệnh của chính những đồng đội ngày xưa ngay giữa thời bình. Chiến tranh tàn phá và lấy đi quá nhiều điều của con người, ngay cả một ước mơ bình dị nhỏ nhoi cũng không có được. Truyện ngắn của Võ Thị Hảo đặt ra một cách nhức nhối về số phận của những người phụ nữ trong chiến tranh và sau chiến tranh, mỗi thời là một bi kịch riêng. Thiên truyện ngắn đầy xúc động thêm một lần nữa là lời tố cáo đanh thép những tội ác của chiến tranh, đồng thời nhắc nhở mỗi con người đang sống phải biết trân trọng và yêu thương nhiều hơn những người phụ nữ đã hy sinh cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp bảo vệ tổ quốc. Không chỉ thế, họ còn tiếp tục những hy sinh lặng lẽ ngay trong cả thời bình.

    Từ khóa tìm kiếm : Người sót lại của rừng cười, Võ Thị Hảo, Giàn thiêu, chiến tranh, kháng chiến chống Mỹ, Trường Sơn, con gái

    Más Menos
    27 m
  • "Tiếng hát lau sậy": Tiếng hát của người đàn bà đẹp đầy khao khát
    Jun 17 2024

    Ngôn ngữ truyện ngắn “Tiếng hát lau sậy” của tác giả Bảo Thương đẹp, giàu chất thơ, giàu chất liên tưởng so sánh, chuyển tải được vẻ đẹp của thiên nhiên, vẻ đẹp của nghệ thuật và vẻ đẹp của con người. Nghe xong truyện, thính giả nhắm mắt lại và mường tượng ra bức tranh đẹp, nhưng buồn phác họa nỗi niềm của người phụ nữ, khi họ ý thức được tiếng gọi của bản ngã, sống hết mình với bản ngã. Chị, một người đàn bà ngoài ba mươi tuổi, mang “vẻ đặm đặm của gái một con một thời xinh đẹp” và có một giọng hát hay “Tiếng hát trong và tròn, lời ca sáng và rõ, vành vạnh như vầng trăng thu, soi đến cả lớp li ti của từng chiếc lông trên mắt lá lau vào những độ rằm”. Song, Tiếng hát lau sậy là tiếng hát buồn của người đàn bà đẹp, tài hoa, khao khát tự do và tình yêu; khao khát được cống hiến giá trị nghệ thuật. Đó còn là tiếng lòng của con người nói chung luôn mong muốn vươn tới thứ tuyệt đích nhất của đời sống: là tự do, là tình yêu, là quyền được thể hiện mình, quyền được cống hiến tài năng, được sáng tạo. Cái đẹp phải được ươm mầm. Cái đẹp phải có môi trường cho nó phát triển. Cái đẹp phải được trân trọng, nâng niu, giữ gìn. Cái đẹp có quyền được hưởng hạnh phúc. Song, ở đây, cái đẹp bị vùi dập. Tiếng hát chỉ dám cất lên ở bờ lau, bãi sậy, cánh đồng, khúc sông, bến nước …Chị thỏa thuê hát khi vắng người chồng, còn khi anh ta về thì im bặt. Hát giữa kiếp cỏ cây thì dễ, hát giữa kiếp người mới khó làm sao? Làm sao để bảo vệ quyền được sống, được ca hát, được cống hiến tài năng? Hay nói cách khác, làm sao, để cái đẹp được khẳng định, đề cao, trân trọng. Và cái đẹp rồi sẽ trôi dạt về đâu? Kết truyện nhân vật kể chuyện xưng “Tôi” hỏi mẹ: “Làm sao biết được chỗ nào có bông tốt mẹ ơi?”. Đó là câu hỏi mở, làm day dứt lòng người.

    Từ khóa tìm kiếm : Tiếng hát lau sậy, Bảo Thương, người đàn bà đẹp, tình yêu, khao khát, cống hiến, tài năng, nghệ thuật

    Más Menos
    27 m
  • “Chuyến trở về của cỏ”: Số phận người nông dân trong chiến tranh loạn lạc
    Jun 10 2024

    Truyện ngắn đưa chúng ta trở về đất nước Việt Nam đầu thế kỉ XVI khi triều đình nhà Lê rối ren, các vua Lê ăn chơi xa đọa, khởi nghĩa nông dân nổ ra khắp nơi. Nhân vật tôi của câu chuyện, người nông dân tên Nguyên Hải vừa là nạn nhân vừa là chứng nhân của thời đại. Cuộc sống gia đình ông quá khổ cực. Hàng ngày được ăn để còn sống đã là hạnh phúc của gia đình Nguyễn Hải. Và cũng như hàng trăm, hàng ngàn người nông dân khác đang bế tắc, Nguyễn Hải bị đưa đẩy tham gia cuộc khởi nghĩa do Trần Cảo phát động. Với những người nông dân như Nguyễn Hải việc tham gia khởi nghĩa đơn giản là được ăn và hy vọng có điều gì đó thay đổi. Cuộc khởi nghĩa do những người nông dân nghèo khổ cả đời chỉ biết cầm cái cày, cái liềm nhanh chóng thất bại và Nguyễn Hải quay trở về nhà của mình. Truyện ngắn trên sự kiện có thật trong lịch sư để thể hiện số phận của người nông dân trong chiến tranh loạn lạc. Chúng ta cảm nhận được không khí ảm đạm bao trùm lên câu chuyện với cái đói, cái khát, nỗi buồn. Đó cũng là điều dễ hiểu bởi trong gia đoạn suy tàn của một triều đại thì làm gì có ai lo cho cuộc sống của người dân. Số phận con người nhất là người nông dân nghèo bấp bênh như chiếc lá vô định trong cơn cuồng phong của lịch sử. Là một cây bút mới hơn 30 tuổi, nhà văn Đinh Phượng đi vào đề tài dã sử khi hóa thân vào một nhân vật không có gì trong tay, nhiều ước vọng nhưng dễ thay đổi trước bất chắc, khó khăn. Truyện của anh không đi vào những đấu đá trong hoàng cung, những thay đổi lớn lao của thời đại mà khai thác số phận nhỏ bé của một người nông dân để thể hiện ý nghĩa cuộc sống hòa bình, hạnh phúc. Hiện nay khi thế giới vẫn có những nơi người dân khổ cực vì chiến tranh loạn lạc thì chúng ta càng trân quý cuộc sống hòa bình trên đất nước Việt Nam.

    Từ khóa tìm kiếm : Chuyến trở về của cỏ, Đinh Phương, lịch sử, dã sử, gia đình nông dân, khởi nghĩa Trần Cảo

    Más Menos
    26 m
  • "Giấc ngủ xuân": Mơ về tình yêu đẹp
    Jun 3 2024

    Chương trình Đọc truyện đêm khuya hôm nay, giọng đọc Hải Yến sẽ chuyển tới các bạn truyện ngắn Giấc ngủ xuân của nhà văn Võ Khắc Nghiêm. Truyện ngắn mang đến cho độc giả những cảm giác ấm áp xúc động về tình người, về sự đồng cảm đồng điệu giữa những tâm hồn yêu văn chương nghệ thuật, có cả những bao dung, tha thứ cho những lầm lạc mà bất cứ ai trong số chúng ta cũng có thể một đôi lần mắc phải trong cuộc đời:

    Từ khóa tìm kiếm : Giấc ngủ xuân, Võ Khắc Nghiêm, cuộc đời, tình yêu, tâm hồn, hạnh phúc, chuyến tàu


    Más Menos
    30 m
  • Nước mắt chảy xuôi trong "Đường chợ gánh gồng"
    May 27 2024

    “Đường chợ gánh gồng” là một truyện ngắn nhắc nhớ nhiều hoài niệm. Bước vào không gian của tác phẩm, dường như người đọc được trở về với thuở ấu thơ, với những năm tháng còn được có bà. Truyện ngắn vì thế mà khiến người ta bùi ngùi trước cả khi lật giở từng trang, lắng nghe từng dòng của “Đường chờ gánh gồng”. “Bà” trong kí ức của nhân vật “tôi” vừa có nét riêng vừa phảng phất những đặc điểm thường thấy của nhiều người phụ nữ đã quen với vất vả hi sinh, quen với thiệt thòi tủi phận. Bà của nhân vật “tôi” không thơm thơm mùi trầu mà ngày ngày quanh quẩn bán gà bán vịt. Bà không kể chuyện cổ tích nhưng vẫn gắn với chuyện ngày xửa ngày xưa, chuyện nhuộm răng gội đầu. Bà có những nỗi khổ tâm riêng mà kể cả khi nhắm mắt xuôi tay vẫn chưa được con cháu thấu hiểu cảm thông. “Đường chợ gánh gồng” không phải là một truyện mạnh về kĩ thuật viết. Bản thân tác giả dường như thường chọn cách kể mộc mạc, giản dị khi nói về những phận đời hay bị bỏ quên. Tuy nhiên, cũng chính nhờ sự mộc mạc giản dị ấy, cùng với sự chăm chút về chi tiết, nhà văn lại ghi điểm với độc giả ở những điều tưởng chừng chẳng có gì lạ. Có lẽ, sau những ồn ào của cuộc sống, người ta lại cần những phút lặng lẽ trầm tư để nhớ về những kí ức còn có bà, có mẹ trong đời… (Lời bình của BTV Nguyễn Hà)

    Từ khóa tìm kiếm : Đường chợ gánh gồng, Phan Mai Hương, thân phận phụ nữ, bà, mẹ, ký ức, hoài niệm


    Más Menos
    27 m
  • “Hoa Huê tình còn thơm…” – Giấc mơ có thật của người nghệ sỹ
    May 20 2024

    Nhà văn Nguyễn Đức Hạnh tâm sự rằng ông có một giấc mơ kỳ lạ “ở Hội Lim rất đông các nghệ sĩ tụ hội. Mỗi nghệ sĩ đều ôm một cây hoa đẹp lạ kỳ. Đó là hoa Huê tình – cây hoa bản mệnh của những người nghệ sĩ đích thực. Có một kẻ vừa hát oang oang trên sân khấu, chỉ thấy giọng khỏe mà không thấy cảm xúc gì. Hát xong ngụp lặn dưới hồ mà gào thét trả cây huê tình cho ta….”. Giấc mơ đó đã gợi cho ông cảm hứng viết truyện ngắn “Hoa Huê tình còn thơm”. Có thể thấy nhân vật Hắn trong truyện ngắn này từ đầu tới cuối luôn khao khát tìm kiếm, và bằng mọi cách để có được bông hoa Huê tình của mình - bông hoa như một biểu tượng cho tài năng, vinh quang, và danh vọng. Quá tình kiếm tìm trái tim hắn ta nặng trĩu tham sân si, lòng hắn ta luôn thèm khát những bông hoa Huê tình của nhiều nghệ sĩ danh tiếng, hắn không từ mọi thủ đoạn để đạt cho được chữ Danh. (từ tham ô một số tiền lớn của đoàn quan họ, dùng pháp thuật Ấn Độ để thu các hoa Huê tình của nghệ sĩ khác về mình, đến việc cưới một cô gái mù hát hay con gái của một nghệ sĩ ….để người con gái đó nhường lại hoa Huê tình của cô cho hắn….vv…). Nhà văn Nguyễn Đức Hạnh viết truyện ngắn này để gửi gắm thông điệp: Một nghệ sĩ đích thực cần hội tụ đủ hai yếu tố tài năng và nhân cách. Dù tài năng đến đâu nếu nhân cách xấu xa anh ta cũng sẽ không thể đi xa bay cao được. Phẩm chất quan trọng nhất trong nhân cách của con người nói chung, người nghệ sĩ nói riêng là lòng nhân ái và tính trung thực. Người nghệ sĩ chân chính cần cống hiến hết mình cho công chúng trước khi nghĩ đến quyền lợi của bản thân. Bút pháp kỳ ảo cũng như hình ảnh mang tính biểu tượng về một loài hoa mang tên Huê tình được tác giả sử dụng để chuyển tải thông điệp đó. Không khí truyện bảng lảng và đậm chất thơ. Tuy nhiên mạch văn đôi khi vẫn hơi rối. Điều đó cũng khiến truyện phần nào giảm sức hấp dẫn

    Từ khóa tìm kiếm : Hoa Huê tình còn thơm, Nguyễn Đức Hạnh, Núi khát, Vết thời gian, Khoảng lặng, Thầm, nghệ sĩ, tài năng, nhân cách

    Más Menos
    27 m